Thứ tư, 09 Tháng 10 2024 09:56
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2024), Khối Dân vận Đảng ủy xã Tam Thái giới thiệu bài báo “Dân vận” của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiển trong tiến trình xây dựng đất nước. 75 năm đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z (ngày 15 tháng 10 năm 1949); những tư tưởng lý luận và giá trị thực tiễn về công tác dân vận của Người đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Một tác phẩm giá trị: Trước yêu cầu thực tiễn của công cuộc kháng chiến và kiến quốc đang bước vào giai đoạn cam go, phức tạp; Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, ngày 15/10/1949. Tác phẩm vô cùng ngắn gọn, súc tích, gói gọn hơn 600 chữ, với 02 trang in nhưng chứa đựng tầm trí tuệ uyên bác, giá trị lý luận - thực tiễn to lớn, trường tồn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác dân vận nói riêng của Đảng ta. Mở đề bài báo, Bác viết:"Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ, nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại". Việc “cần phải nhắc lại” của Bác là nhằm trả lời thấu đáo 4 câu hỏi đặt ra, đó là: Vì sao phải dân vận? Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào?.
Vì sao phải dân vận?
Theo Bác,“Nước ta là nước dân chủ”. Để nhân dân thực sự làm chủ thì trước hết mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật… phải lấy người dân làm đối tượng trung tâm, phải phục vụ lợi ích của dân. Bác cho rằng, bản chất dân chủ của một quốc gia phải được thể hiện rõ trong mối quan hệ biện chứng giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân. Một khi “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân” thì “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”, “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”; “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra”; “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”; “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Dân vận là gì?
“Dân vận là vận động lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc mà đoàn thể chính phủ giao cho”. Theo Bác, dân vận không chỉ đơn thuần là công tác vận động quần chúng mà là phải tìm cách khơi dậy, phát huy hết tiềm năng về tinh thần và vật chất trong mỗi một con người, không được bỏ sót người nào để góp thành lực lượng toàn dân nhằm thực hiện nhiệm vụ chung của dân tộc. Để làm được việc đó, Người yêu cầu: Thứ nhất, cần làm là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được; Thứ hai, bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh của địa phương, rồi động viên và tổ chức cho toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân; khi thi hành xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Ai phụ trách dân vận?
Theo Người: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…) đều phải phụ trách dân vận”. Theo đó, Bác nhắc nhở cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện chính sách ấy. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác dân vận. Cùng với cán bộ chính quyền, cán bộ đảng, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội đều phải phụ trách dân vận. Cán bộ phải gương mẫu, tiên phong làm kiểu mẫu cho dân, đồng thời phải sâu sát, gắn bó, giúp nhân dân phát triển sản xuất.
Dân vận phải thế nào?
Theo Bác, phong cách người làm công tác dân vận là phải biết phát huy hết chức năng các giác quan, bộ phận trong cơ thể của mình trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời nói phải đi đôi với làm, phải thật thà nhúng tay vào việc, nghĩa là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; “Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Người phê phán người làm công tác dân vận chỉ biết nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, “vận được thì tốt, vận không được cũng mặc”. Người cho rằng việc xem khinh công tác dân vận là một sai lầm, khuyết điểm rất to, rất có hại cho cách mạng.
Ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công tác dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, tiếp nối lời dạy của Bác; Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị của xã Tam Thái tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dân vận, phát huy dân chủ để xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025./.
Nguồn tư liệu HQ sưu tầm: Bài báo “Dân vận”đăng trên báo Sự Thật (ngày 15 tháng 10 năm 1949)