Thứ ba, 19 Tháng 4 2022 22:04
Trong tuần vừa qua, Ban Thường trực UBMT TQVN xã phối hợp với Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Kế hoạch tổ chức kiểm tra hoạt động của các tộc họ đã tổ chức ra mắt và được công nhận “Tộc văn hóa” trên địa bàn xã trong 3 năm (2020 – 2022), bàn phương hướng nhiệm vụ hoạt động thời gian đến và ra mắc một tộc họ văn hóa.
Những năm qua, các tộc họ trên địa bàn xã Tam Thái đã có vai trò quan trọng trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Cùng với các hội, đoàn thể, các tộc họ đã tham gia tích cực vào việc giáo dục, vận động con cháu, xây dựng được 03 thôn NTM kiểu mẫu và xã đạt chuẩn NTM.
UBND xã trao quyết định công nhận Tộc văn hóa – Tộc Trần (thôn Hòa Bình)
Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1637/QĐ-UBND, ngày 08/5/2015 về việc ban hành Quy chế công nhận danh hiệu "Tộc văn hóa" trên địa bàn tỉnh. Từ đây, "Tộc văn hóa" là một trong những danh hiệu văn hóa của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Đối với xã Tam Thái, công tác xây dựng tộc văn hoá được tuyên truyền, vận động và triển khai sâu rộng trên địa bàn. Cùng với việc tập trung hướng dẫn các tộc họ tổ chức đăng ký phát động xây dựng tộc văn hóa, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, còn chú trọng đến nội dung hương ước, quy ước của tộc họ; từ khi có chủ trương về xây dựng nông thôn mới, BCĐ xã đã hướng dẫn đưa nội dung này vào một trong các nội dung của Tộc ước; mặt khác thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động; với những cách làm như trên, công tác xây dựng tộc văn hóa trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Đến nay đã có 16/16 được UBND xã công nhận và tổ chức lễ ra mắt phát động xây dựng Tộc văn hóa, 11/16 tộc được công nhận danh hiệu Tộc văn hóa. Các Tộc đều thành lập Hội đồng gia tộc (HĐGT), hoạt động trên tinh thần tự nguyện.
Trong phong trào xây dựng Tộc văn hóa có thể nói nổi bật nhất là kết quả của phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mỗi năm, UBMT xã đã xây dựng chương trình phối hợp với các tổ chức thành viên, đăng ký thoát ít nhất 01 hộ nghèo và 01 hộ cận nghèo; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các Tộc tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các hộ nghèo, hộ cận nghèo bàn và tháo gỡ, tạo điều kiện để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó các Tộc đã có nhiều đóng góp lớn “Chung tay giúp nhau thoát nghèo bền vững”. Tiêu biểu có thể kể đến như tộc Lương, thôn Xuân Phú. “Việc tìm kiếm công ăn việc làm phù hợp nhằm phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trong từng hộ, từng gia đình luôn được dòng họ quan tâm, đôn đốc và nhắc nhở.
Trong những năm qua, tùy theo điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình con cháu luôn tìm mọi cách để phát triển kinh tế gia đình. Hoạt động kinh tế chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán… Con cháu trong tộc thường xuyên trao đổi thông tin và góp ý lẫn nhau để tìm cách làm ăn đạt hiệu quả cao nhất. Nhiều Tộc tích cực vận động con cháu hiến đất, giải tỏa mặt bằng, di dời mồ mả, vật kiến trúc, đóng góp tiền của, công sức để tham gia xây dựng nông thôn mới...
Phong trào khuyến học, khuyến tài, tương thân tương trợ, chăm sóc người cao tuổi là những hoạt động được các Tộc tích cực thực hiện và mang lại hiệu quả. Đến nay hầu hết các Tộc đều xây dựng quỹ khuyến học để khen thưởng động viên con cháu vượt khó tiến bộ, học hành đỗ đạt, thành danh thành tài… Ba năm qua, các Tộc văn hóa đã vận dộng xây dựng được nguồn quỹ này gần 300 triệu đồng, hỗ trợ cho hơn 250 lượt học sinh, sinh viên, Điển hình có tộc Lương (Xuân Phú), Tộc Hồ (Khánh Thọ), Nguyễn Văn (Xuân Phú)….
Các hoạt động tương thân tương trợ, chăm sóc người cao tuổi, phúng điếu người quá cố, lo việc cưới việc tang cũng được các Tộc chú trọng đúng mực, đảm bảo các quy định về nếp sống văn minh, văn hóa. Tổng nguồn quỹ tương thân tương trợ xây dựng được hơn 150 triệu đồng, quỹ mừng thọ hơn 100 triệu đồng với hầu hết các tộc họ đều hưởng ứng tích cực và có những việc làm thiết thực.
Vai trò của các Tộc văn hóa cũng thể hiện rõ nét thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, no ấm – bình đẳng – tiến bộ và hạnh phúc, cũng như trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc như: giáo dục cảm hóa tiến bộ con cháu có sai phạm, hòa giải mâu thuẫn nảy sinh trong dòng tộc và các gia đình, tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông.
Bên cạnh những thành quả đạt được, 3 năm qua phong trào xây dựng Tộc văn hóa trên địa bàn xã vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục để đẩy mạnh phong trào đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Trong những năm tới, phong trào xây dựng Tộc văn hóa tiếp tục được phát huy và nhân rộng để 100% các tộc họ trên địa bàn xã đều được công nhận tộc văn hóa sau 3 năm. Mô hình tổ chức, hoạt động của mỗi Tộc khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là tập hợp các con cháu trong gia tộc để cùng nhau cam kết thực hiện những nội dung trong Tộc ước về truyền thống gia tộc, phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Cây có cội, nước có nguồn", "Chim có tổ, người có tông"... qua đó xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng, góp phần xây dựng nên những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.
Với những kết quả đạt được cho thấy, vai trò của Tộc họ ngày càng được khẳng định. Tộc họ đã có những đóng góp tích cực trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội - an ninh chính trị của địa phương. Tộc văn hóa là một mô hình hay, cần được duy trì và phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người, mọi nhà.
Tố Trinh