Thứ tư, 17 Tháng 4 2024 13:46
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức trong cơ quan xã về tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của công chức; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng văn minh, hiện đại; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương, ngày 19/3/2024 UBND xã Tam Thái ban hành kế hoạch số: 20/KH-UBND về tuyên truyền cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2024 với các nhiệm vụ chính như sau:
1. Về công tác chỉ đạo, điều hành
- Tiếp tục chỉ đạo rà soát, ban hành các văn bản về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đúng về thời gian, nội dung và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính theo kế hoạch đã đề ra.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính, chuyển đổi số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử để cán bộ, công chức nghiêm túc thực hiện; tổ chức, công dân nắm được các quy định để thực hiện và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức về cải cách hành chính trong cơ quan, quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tận tụy phục vụ nhân dân.
Người dân đến liên hệ giải quyết công việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Tam Thái
2. Cải cách thể chế
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước.
- Niêm yết công khai đường dây nóng tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC tại cơ quan; bố trí phòng tiếp công dân và thông báo lịch tiếp công dân định kỳ, đột xuất để Nhân dân và các doanh nghiệp được biết.
- Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện đang còn hiệu lực, hết hiệu lực để làm căn cứ ban hành văn bản mới phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm tính khả thi cao.
3. Cải cách thủ tục hành chính
- Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính đang triển khai áp dụng, trên cơ sở kết quả rà soát đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
4. Cải cách chế độ công vụ
- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo kế hoạch đào tạo, phân công cán bộ, công chức đảm nhiệm các công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác.
- Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.
- Xây dựng và thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm, về đạo đức cán bộ, công chức, các quy định về văn hoá công sở nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức.
5. Cải cách tài chính công
- Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính; Thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên;
- Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công, kinh phí từ ngân sách nhà nước; Xây dựng định mức khoán chi thường xuyên phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương; lập dự toán kinh phí, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy chế chi tiêu nội bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
6. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; giúp cán bộ, công chức xử lý công việc nhanh, chính xác, giúp lãnh đạo nắm thông tin kịp thời, kiểm tra tiến độ thực hiện công việc.
- Đảm bảo cán bộ, công chức tại UBND xã được trang bị máy tính, máy in đạt 100%, máy Scan. Hạ tầng kỹ thuật đảm bảo các điều kiện thực hiện kết nối, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường mạng./.
Huỳnh Ngọc Dưỡng